Chỉ số LPI là gì và những điều doanh nghiệp cần biết

LPI (Logistics Performance Index) là gì?

LPI hay Logistics Performance Index là chỉ số hiệu quả logistics quốc gia, được Ngân hàng Thế giới đưa ra và tính toán từ năm 2007, nhằm đánh giá, so sánh và xếp hạng mức độ phát triển logistics giữa các nước. Đến nay, LPI được công nhận và sử dụng phổ biến bởi hầu hết các quốc gia như một chỉ số tiêu chuẩn chính thống trong việc đánh giá hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của ngành logistics trên thế giới. Tại Việt Nam, LPI còn đóng vai trò như một công cụ để chính phủ đánh giá khách quan về trình độ phát triển của ngành logistics nước nhà, đồng thời là một chỉ số hiệu quả cho các nhà đầu tư và các doanh nghiệp kinh doanh nước ngoài khi phân tích thị trường để cân nhắc đầu tư.

 

Thành phần và các tiêu chí đánh giá LPI

Trên thực tế, chỉ số LPI gồm hai chỉ số thành phần là LPI trong nước và LPI quốc tế, trong đó LPI quốc tế được quan tâm nhiều hơn, do thành phần này được lượng hóa, dễ theo dõi và có thể so sánh dễ dàng giữa các quốc gia.

Thành phần LPI trong nước về bản chất không phải là một chỉ số, không được xếp hàng, mà Ngân hàng Thế giới chỉ thống kê các dữ liệu liên quan đến 4 tiêu chí về logistics nội bộ của một quốc gia gồm:

  1. Hạ tầng: Chất lượng của hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho vận tải và thương mại (hạ tầng về giao thông, hệ thống kho bãi, dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin);
  2. Dịch vụ: Trình độ phát triển của dịch vụ logistics trong nước;
  3. Thủ tục: Quy trình và thời gian xử lý các thủ tục hải quan;
  4. Mức độ tin cậy của chuỗi cung ứng: Mức độ đa dạng dịch vụ và khả năng đáp ứng nhu cầu khách hàng của các nhà cung cấp dịch vụ logistics.

Tuy nhiên, “chỉ số LPI” được nói đến phổ biến hơn là chỉ số LPI quốc tế, chỉ số được lượng hóa từ 6 biến số, mỗi biến số đại diện cho một trong sáu tiêu chí sau:

  1. Hạ tầng: Chỉ số lượng hóa của tiêu chí hạ tầng trong LPI trong nước;
  2. Giao hàng: Được thể hiện thông qua các chi phí như các loại phí và phụ phí tại cảng, phí cầu đường, phí kho bãi,…;
  3. Năng lực, hiệu quả: Hiệu suất và tính chính xác của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ liên quan đến logistics, bao gồm nhà vận tải, nhà phân phối, kho bãi, cơ quan chức năng (kiểm định, kiểm dịch, hải quan),…;
  4. Truy xuất: Khả năng theo dõi hành trình lô hàng;
  5. Thời gian: Khả năng lô hàng đi theo lộ trình đúng lịch;
  6. Thông quan: Tính đơn giản, minh bạch của thủ tục và hiệu quả xử lý của các cơ quan kiểm soát tại biên giới.

 

Các tiêu chí thành phần của LPI

Hình 1. Các tiêu chí thành phần của LPI

Xếp hạng LPI thế giới

Chỉ số LPI được xếp hạng trên toàn cầu lần đầu tiên vào năm 2007, và từ năm 2010 đến nay được tính toán và công bố mỗi 2 năm một lần. Bản báo cáo xếp hạng LPI toàn cầu mới nhất được Ngân hàng Thế giới công bố vào năm 2018.

 

Bảng 1. Nhóm 10 quốc gia xếp hạng LPI cao nhất thế giới (2012 – 2018)
(Theo thứ tự năm 2018)

Nhóm 10 quốc gia xếp hạng LPI cao nhất thế giới (2012 – 2018)

(Nguồn: Báo cáo tổng hợp LPI toàn cầu giai đoạn 2012 – 2018, Ngân hàng Thế giới)

 

Theo xếp hạng năm 2018, các quốc gia châu Âu chiếm tỉ lệ áp đảo trong nhóm 10 quốc gia có chỉ số LPI cao nhất thế giới (8/10), còn lại là hai quốc gia châu Á. Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi châu Âu là nhóm quốc gia đi đầu thế giới về hình thành và phát triển chuỗi cung ứng, đồng thời cũng là nhóm có thu nhập cao, có điều kiện tài chính thuận lợi cho cải thiện hạ tầng và hoạt động logistics. Trong vài năm gần đây, một số quốc gia có sức bật khá tốt, gia nhập top 10 nước dẫn đầu thế giới về logistics như Nhật Bản hay Đan Mạch.

 

Bảng 2. Nhóm 10 quốc gia xếp hạng LPI cao nhất trong nhóm nước có thu nhập trung bình thấp năm 2018

 

Nhóm 10 quốc gia xếp hạng LPI cao nhất trong nhóm nước có thu nhập trung bình thấp năm 2018

(Nguồn: Báo cáo tổng hợp LPI toàn cầu giai đoạn 2012 – 2018, Ngân hàng Thế giới)

 

Năm 2018, Việt Nam đứng đầu về xếp hạng LPI trong nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình – một thành tích đáng ghi nhận sau các nỗ lực của Chính phủ và doanh nghiệp trong phát triển logistics theo hướng hiện đại và bắt nhịp với quốc tế. Ngoài ra, trong top 10 này cũng có sự góp mặt của một số quốc gia Đông Nam Á khác như Indonesia, Philippines và Lào – kết quả tương xứng với mức độ phát triển kinh tế sôi động của khu vực này.

 

LPI Việt Nam xếp hạng nào trên thế giới?

Chỉ số LPI của Việt Nam qua các năm

Hình 2. Chỉ số LPI của Việt Nam qua các năm

 

Nhìn chung, chỉ số LPI của Việt Nam vẫn đang tiếp tục trên đà tăng cả về điểm số và xếp hạng toàn cầu, thể hiện thành quả của nỗ lực cải thiện hiệu quả hoạt động và năng lực đáp ứng nhu cầu trong ngành logistics của Chính phủ. Năm 2018 đánh dấu một cột mốc quan trọng khi LPI của Việt Nam tăng vọt 25 bậc, với cả 6 tiêu chí thành phần đều tăng điểm số. Đây cũng chính là khoảng thời gian cơ chế chính sách về logistics đã từng bước được hoàn thiện, những nỗ lực cải cách của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành cũng như các nỗ lực đổi mới của chính các doanh nghiệp đã bắt đầu thể hiện hiệu quả.

 

Hành trình chưa dừng lại

Theo Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 đạt xếp hạng LPI từ 50 trở lên. Thứ hạng 39 của năm 2018 rõ ràng là một bước tiến vượt bậc so với kế hoạch này, nhưng không phải vì thế mà ngành logistics đã có thể thỏa mãn với kết quả trên.

 

Trên thực tế, chúng ta không thể chỉ nhìn vào điểm số tổng thể và xếp hạng thứ bậc để đánh giá mức độ phát triển LPI một cách sâu sắc và toàn diện. Để có thể đánh giá và định hướng phát triển ngành logistics một cách hiệu quả, cần nhìn vào điểm số thành phần của 6 tiêu chí và lên kế hoạch cải thiện cụ thể theo các tiêu chí này. Ngoài ra, cần có góc nhìn vĩ mô, đảm bảo kế hoạch này đáp ứng được các yêu cầu:

  • Đặt logistics ở vị trí trọng yếu trong chính sách phát triển kinh tế quốc gia;
  • Cải thiện logistics theo hướng kết hợp nhiều lĩnh vực: hạ tầng, vận tải, hải quan,…;
  • Đầu tư cải thiện hạ tầng viễn thông thông tin, để đảm bảo thông tin, dữ liệu là yếu tố đầu vào liên tục và đáng tin cậy.
Hành trình chưa dừng lại

 

Để đảm bảo được những yêu cầu trên, Chính phủ cần có tầm nhìn về bức tranh toàn cảnh của ngành logistics trong nước và quốc tế, từ đó lên được định hướng toàn diện và phù hợp. Đồng thời, bản thân các doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị nguồn lực cho chính mình để kịp thời nắm bắt được cơ hội phát triển mà chính sách đã mang lại.

Tin tức xem nhiều

    Liên hệ

    Liên hệ

    Vui lòng để lại thông tin để nhân viên 247Express có thể liên hệ tới bạn sớm nhất