NHỮNG ĐIỀU DOANH NGHIỆP CẦN BIẾT VỀ CHUỖI CUNG ỨNG

Chuỗi cung ứng là một khái niệm trừu tượng, chúng ta có thể hình dung được ý nghĩa của nó nhưng rất khó có thể định nghĩa một cách hoàn chỉnh, mạch lạc và thống nhất về nó. Nhưng đồng thời, đây cũng là một trong những lĩnh vực tối quan trọng trong quản trị và lập chiến lược kinh doanh.

 

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ CHUỖI CUNG ỨNG

 

Thế nào là chuỗi cung ứng?

Chuỗi cung ứng bao gồm tất cả những vấn đề liên quan trực tiếp hay gián tiếp nhằm thoả mãn nhu cầu của khách hàng. Chuỗi cung ứng không chỉ bao gồm nhà sản xuất, nhà cung cấp mà còn liên quan nhà vận chuyển, nhà kho, nhà bán lẻ và khách hàng. Do đó, quản lý chuỗi cung ứng là sự kết hợp sản xuất, tồn kho, địa điểm và vận tải giữa các thành viên tham gia trong chuỗi cung ứng nhằm đạt được khối lượng công việc hiệu quả nhất trong thị trường đang phục vụ.

 

Chủ thể tham gia vào chuỗi cung ứng

Hiểu một cách đơn giản, các chủ thể tham gia vào chuỗi cung ứng của một doanh nghiệp là toàn bộ các doanh nghiệp cùng tham gia trực tiếp hoặc hỗ trợ cho quá trình đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Giả sử nhìn từ góc độ của một công ty bán hàng, chuỗi cung ứng của họ sẽ bao gồm:

  • Các chủ thể xuất hiện trước khi hàng đến công ty: nhà cung cấp nguyên vật liệu, công ty sản xuất, công ty thu mua,...
  • Các chủ thể xuất hiện sau khi hàng đến công ty: nhà phân phối các cấp (gồm nhà bán buôn và nhà bán lẻ), khách hàng, người tiêu dùng,...
  • Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ: kho bãi, vận chuyển, logistics, hạ tầng viễn thông và thông tin,...

 

Chuỗi cung ứng mở rộng của doanh nghiệp

Hình 1. Chuỗi cung ứng mở rộng của doanh nghiệp

 

Chuỗi cung ứng và logistics khác nhau thế nào?

Hai khái niệm “chuỗi cung ứng” và “logistics” hay “hậu cần” là những khái niệm rất trừu tượng và thường xuyên được sử dụng đi đôi với nhau, hoặc thậm chí thay thế nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, hai khái niệm này có điểm khác biệt nhau về bản chất và góc nhìn.

Chuỗi cung ứng thường dùng để chỉ một chuỗi các hoạt động có liên hệ nối tiếp với nhau trong quá trình hình thành nên một sản phẩm và đưa sản phẩm ấy đến người dùng. Trong khi logistics nhấn mạnh đến việc vận hành, tác động vào chuỗi hoạt động đó để tạo nên hiệu quả cao nhất cho doanh nghiệp. Ở một góc độ khác, chuỗi cung ứng nói lên sự quan tâm của bản thân doanh nghiệp sản xuất - thương mại đối với quá trình vận động của hàng hóa trong nội bộ doanh nghiệp của mình. Còn logistics được dùng để chỉ dịch vụ do các doanh nghiệp chuyên nghiệp cung cấp. Với nghĩa này, logistics là một ngành dịch vụ hay ngành kinh doanh.

 

Quản trị chuỗi cung ứng

Nhìn chung, quản trị chuỗi cung ứng là quản lý các hoạt động dọc chuỗi nhằm cung cấp các sản phẩm hay dịch vụ phù hợp nhất với nhu cầu của khách hàng theo một cách tối ưu đối với doanh nghiệp. Quản trị chuỗi cung ứng là một nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi phải có cách tiếp cận mang tính hệ thống. Nhà quản trị vừa phải nhìn nhận các chủ thể, công đoạn, mắt xích trong chuỗi cung ứng như những thực thể riêng lẻ, nhằm tối ưu hóa hoạt động của những thực thể này, lại vừa phải nhìn được bức tranh toàn cảnh cả chuỗi để lựa chọn được phương án hiệu quả nhất.

 

Đồng thời, quản trị chuỗi cung ứng cũng đòi hỏi phải cân đối giữa các nhu cầu khác nhau và nhiều khi mang tính đối lập. Ví dụ: trong quản lý tồn kho, doanh nghiệp sẽ có mong muốn giảm tồn kho đến mức tối đa nhằm giảm chi phí, tối đa hóa hiệu quả. Đây cũng là định hướng của nhiều nhãn hàng nổi tiếng thế giới về sự ưu việt của chuỗi cung ứng như Apple hay Zara. Trong khi đó, các nhiệm vụ như đáp ứng nhu cầu đột biến, dự phòng rủi ro,… lại đòi hỏi phải duy trì tồn kho ở một mức độ nhất định.

 

Các quyết định trong quản trị chuỗi cung ứng

 

Muốn quản trị được chuỗi cung ứng, trước hết phải hiểu được các nhân tố thúc đẩy chuỗi cung ứng và xác định được những câu hỏi cần giải quyết theo các nhân tố đó.

 

 

Năm tác nhân thúc đẩy chuỗi cung ứng

Hình 2. Năm tác nhân thúc đẩy chuỗi cung ứng

 

Năm tác nhân thúc đẩy chuỗi cung ứng, và cũng chính là năm nhóm yếu tố cần đưa ra quyết định trong quản trị chuỗi cung ứng bao gồm: sản xuất, tồn kho, địa điểm, vận tải, thông tin. Dưới đây là các quyết định cụ thể mà doanh nghiệp cần đưa ra để lựa chọn được phương áp chuỗi cung ứng hiệu quả và phù hợp với mình:

 

(1). Sản xuất: Lên nội dung sản xuất và kế hoạch sản xuất hiệu quả với doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu khách hàng

  • Sản xuất sản phẩm gì để phù hợp với nhu cầu khách hàng?
  • Sản xuất khi nào? Số lượng bao nhiêu?
  • Quy trình sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng, quy trình quản trị chất lượng như thế nào?
  • Các quyết định đầu vào: cần nguồn nguyên liệu đầu vào gì? Nguồn cung ứng từ đâu? Số lượng cần thiết là bao nhiêu?

(2). Tồn kho: Xác định chiến lược quản lý tồn kho nhằm dự phòng cho các rủi ro về vận tải, lượng cầu và sản xuất, đồng thời đảm bảo tối đa hóa hiệu quả.

  • Tồn kho nhằm dự trữ cho những công đoạn nào trong chuỗi cung ứng?
  • Thành phần tồn kho và mức tồn kho cụ thể cho từng thành phần: nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm?

(3). Địa điểm: Xác định được vị trí của các chủ thể trong chuỗi cung ứng và lộ trình đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối.

  • Địa điểm nào mang lại hiệu quả nhất về chi phí cho các hoạt động sản xuất, tồn kho và phân phối?
  • Liệu doanh nghiệp có thể tự tạo ra các điều kiện thuận lợi mới hay không?

(4). Vận tải: Lựa chọn hình thức, phương tiện và tuyến đường vận tải dựa trên các tiêu chí về chi phí, chặng đường, mức độ an toàn và tin cậy.

  • Nên vận chuyển bằng phương tiện nào? Lựa chọn lộ trình nào?
  • Có nên có kịch bản dự phòng khi xảy ra sự cố hay không? Khi thị trường thay đổi tới biên độ nào thì cần xem xét lại phương án vận tải?

(5). Thông tin: Chuẩn bị hạ tầng thông tin, đảm bảo mức độ thông suốt, minh bạch thông tin nhằm phục vụ khả năng phối hợp giữa các chủ thể trong chuỗi cung ứng và phục vụ quá trình ra quyết định, đồng thời vẫn đảm bảo bảo mật thông tin.

  • Thông tin có tầm quan trọng đến đâu trong việc quản trị chuỗi cung ứng của doanh nghiệp?
  • Phạm vi của hệ thống chia sẻ thông tin trong chuỗi cung ứng đến đâu: nội bộ doanh nghiệp, liên doanh nghiệp giữa các bên sản xuất, kho hàng, cung ứng, phân phối?
  • Cơ chế ra quyết định khi cần đưa ra quyết định chung?

 

tóm tắt chuỗi cung ứng

 

Tin tức xem nhiều

    Liên hệ

    Liên hệ

    Vui lòng để lại thông tin để nhân viên 247Express có thể liên hệ tới bạn sớm nhất