Thế nào là logistics 3PL, 4PL, 5PL? Đặc điểm và vai trò

Hiện nay, chúng ta nghe nói rất nhiều về 3PL, 4PL hay thậm chí 5PL như những xu hướng phổ biến trong ngành logistics, đặc biệt là trong bối cảnh các công ty logistics đang không ngừng phát triển và đổi mới quy trình và công nghệ, nhưng ý nghĩa của những thuật ngữ này vẫn chưa thực sự rõ ràng với nhiều người. Vậy 3PL, 4PL, hay 5PL là gì, những hình thức này có vai trò và ý nghĩa như thế nào, xu hướng phát triển trong tương lai ra sao? Để phân biệt được các hình thức này, từ đó lựa chọn được hình thức dịch vụ logistics phù hợp, chúng ta sẽ tìm hiểu các thuật ngữ trên theo trình tự phát triển và ra đời của chúng.

 

THẾ NÀO LÀ LOGISTICS 3PL, 4PL, 5PL?

 

Trước hết: 1PL

Dĩ nhiên, chúng ta cần tìm hiểu từ loại hình đơn giản nhất. 1PL là viết tắt của “first-party logistics”, chỉ hình thức mà trong đó một doanh nghiệp tự thực hiện các hoạt động vận tải và hậu cần cho chính mình mà không sử dụng thêm dịch vụ của bên khác. Ví dụ: một công ty cung cấp rau sạch sở hữu một hệ thống kho lạnh để lưu trữ sản phẩm, một đội xe để vận chuyển sản phẩm từ trang trại tới cơ sở sản xuất, từ đó tới kho và từ kho với các cửa hàng phân phối.

 

Việc tự thực hiện các hoạt động logistics cho mình giúp doanh nghiệp chủ động quản lý được các hoạt động hậu cần của mình, từ thu mua tới phân phối bán hàng, tuy nhiên cũng rất tốn thời gian và khiến nguồn lực (tài chính, nhân lực,...) của công ty bị phân tán cho nhiều hoạt động thay vì chỉ chuyên môn hóa vào những hoạt động là năng lực cốt lõi của mình. Ví dụ: với cùng một chi phí dành cho mua xe và lương cho lái xe, công ty có thể tập trung vào đào tạo nhân viên trồng rau, đổi mới công nghệ trồng và lưu trữ rau,... làm tăng giá trị cho sản phẩm. Đồng thời, trong xu hướng chuyên môn hóa và phân công lao động toàn cầu hiện nay, hình thức 1PL trở nên kém hấp dẫn hơn do không hiệu quả về mặt chi phí và hạn chế doanh nghiệp trong việc tham gia vào mạng lưới phân phối rộng lớn hơn.

 

2PL: Hình thành từ xu hướng chuyên môn hóa

Cùng ví dụ về công ty sản xuất rau sạch trên, nếu công ty thuê một nhà vận tải chuyên nghiệp để vận chuyển vận tải từ trang trại tới kho, và từ kho với hệ thống siêu thị bán thực phẩm sạch, họ đang sử dụng hình thức 2PL – second-party logistics.

 

2PL là hình thức mà doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics của một nhà cung cấp dịch vụ ở một lĩnh vực hoạt động đơn lẻ. Nhà cung cấp dịch vụ 2PL thường là các công ty vận tải, công ty cho thuê kho bãi, hãng tàu, công ty bảo hiểm, công ty giám định hàng hóa hay các dịch vụ chuyển phát. Thông thường, hoạt động 2PL phải gắn với việc sở hữu cơ sở hạ tầng, tài sản cố định.

 

Như đã phân tích ở trên, việc sử dụng dịch vụ thuê ngoài 2PL giúp doanh nghiệp có thể tập trung vào hoạt động chuyên môn hay năng lực cốt lõi của mình, nhưng đồng thời doanh nghiệp cũng sẽ phải thỏa hiệp khả năng kiểm soát hoạt động logistics, hay nói cách khác, phải phụ thuộc nhiều hơn vào năng lực và hiệu quả hoạt động của bên cung cấp dịch vụ.

 

3PL: Bước phát triển tất yếu của chuyên môn hóa

Khi chuyên môn hóa trở thành một xu hướng tất yếu, 3PL – hay “third-party logistics”, hình thức logistics sử dụng dịch vụ của bên thứ ba – ra đời và phát triển mạnh mẽ. Trong đó, các doanh nghiệp sản xuất, thương mại sử dụng dịch vụ của một công ty logistics chuyên nghiệp với phạm vi hoạt động rộng hơn, bao gồm: vận tải, kho bãi, đóng gói, gom hàng, giao nhận, v.v. Trong trường hợp này, các công ty cung cấp dịch vụ logistics 3PL cũng có thể sẽ tiếp tục đi thuê ngoài với các công ty 2PL khác để thực hiện hợp đồng.

 

Ví dụ: một công ty Việt Nam muốn xuất khẩu cà phê sang Hàn Quốc. Thay vì tự thực hiện, công ty này thuê một công ty logistics khác đặt lịch tàu, chở hàng ra cảng, xử lý các thủ tục thông quan hàng hóa,...

 

Tương tự như với 2PL, loại hình 3PL cũng giúp doanh nghiệp tận dụng được hiệu quả từ chuyên môn của công ty logistics, tập trung vào những hoạt động tạo ra giá trị cho sản phẩm hay những năng lực cốt lõi của mình, như thiết kế, phát triển sản phẩm, phát triển thị trường,... thay vì phải phân tán nguồn lực vào nhiều hoạt động hỗ trợ như vận tải, chứng từ,...

 

3PL: Bước phát triển tất yếu của chuyên môn hóa

 

4PL: Giải pháp logistics toàn diện

4PL vốn là một nhãn hiệu độc quyền được đưa ra lần đầu bởi công ty tư vấn Accenture vào năm 1996, nhưng sau đó đã trở thành một thuật ngữ thông dụng trong ngành logistics. Accenture định nghĩa 4PL (fourth-party logistics) là “một nhà tích hợp chuỗi cung ứng, liên kết và quản lý các nguồn lực, khả năng và công nghệ của tổ chức riêng của mình với các nhà cung cấp dịch vụ bổ sung để cung cấp một giải pháp chuỗi cung ứng toàn diện”. Nói cách khác, một doanh nghiệp 4PL hoạt động như kênh kết nối duy nhất giữa khách hàng và nhiều nhà cung cấp dịch vụ hậu cần sao cho toàn bộ chuỗi cung ứng được quản lý bởi 4PL.

 

Quay trở lại với minh họa về doanh nghiệp sản xuất rau sạch kể trên, trong trường hợp 4PL, doanh nghiệp này sẽ hoàn toàn không thực hiện hoạt động logistics nào mà thuê một công ty logistics 4PL để đảm nhiệm toàn bộ các nghiệp vụ logistics diễn ra xuyên suốt cả chuỗi cung ứng của mình như: đưa rau thu hoạch từ vườn tới nhà máy, đưa rau đã làm sạch và đóng gói từ nhà máy tới kho, từ kho với hệ thống cửa hàng phân phối, nhận hàng thừa, hàng trả lại và mang lại về kho, v.v

 

Loại hình 3PL và 4PL khác nhau như thế nào?

Nếu như doanh nghiệp logistics 3PL chủ yếu tập trung vào hoạt động hậu cần như đáp ứng đơn hàng, phân phối, kho bãi,... thì doanh nghiệp 4PL sẽ quản trị cả chuỗi cung ứng của khách hàng nhằm tối ưu hóa các hoạt động trong chuỗi. Nhà cung cấp dịch vụ logistics 4PL có thể không có tàu biển, không có xe tải, không có kho hàng, nhưng là người có khả năng kết nối, tận dụng năng lực của tất cả các yếu tố trên để hoàn thành một quy trình logistics phức tạp. So với 3PL, 4PL cung cấp một giải pháp logistics toàn diện hơn, phù hợp cho các doanh nghiệp muốn tập trung vào hoạt động sản xuất, thương mại và không có chuyên môn trong các nghiệp vụ hậu cần.

Một xu hướng mới nổi: 5PL

 

Khái niệm 5PL tuy còn rất mới nhưng cũng đang được quan tâm trong ngành logistics. Định nghĩa về 5PL cũng chưa được thống nhất hoàn chỉnh. Nhìn chung, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ 5PL sẽ:

  • Dựa vào công nghệ (như dữ liệu lớn) để tăng hiệu quả công việc
  • Tối ưu hóa không chỉ chuỗi cung ứng mà cả mạng lưới cung ứng
  • Tập trung vào thương mại điện tử, hữu ích đối với các doanh nghiệp kinh doanh online
  • Liên kết các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ 3PL và 4PL

Tổng hợp so sánh các loại hình từ 1PL đến 5PL

Tổng hợp so sánh các loại hình từ 1PL đến 5PL

 

Nhìn chung, điểm khác biệt cơ bản giữa các hình thức này là số bên (số lượng chủ thể) tham gia vào các hoạt động logistics và chuỗi cung ứng:

  • 1PL: Một doanh nghiệp duy nhất, đồng thời chính là doanh nghiệp sản xuất và bán hàng
  • 2PL: Một nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển do doanh nghiệp sản xuất thuê
  • 3PL: Một nhà cung cấp dịch vụ logistics được thuê bởi doanh nghiệp sản xuất, quản lý các nhà vận tải, cũng như cung cấp các dịch vụ như vận chuyển, kho bãi và các dịch vụ hậu cần khác
  • 4PL: Một nhà cung cấp dịch vụ không chỉ quản lý hoạt động logistics mà cả chuỗi cung ứng
  • 5PL: Một nhà cung cấp dịch vụ quản lý các nhà cung cấp 3PL và 4PL khác

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các thuật ngữ này đôi khi cũng có sự giao thoa với nhau, đặc biệt là trong bối cảnh các doanh nghiệp và ngành logistics vẫn đang không ngừng phát triển. Ví dụ: một số doanh nghiệp 3PL có thể cung cấp dịch vụ tương tự như 4PL, hay dịch vụ 5PL được cung cấp bởi các doanh nghiệp khác nhau cũng có thể không giống nhau. Do đó, khi lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ logistics, khách hàng nên quan tâm tìm hiểu xem doanh nghiệp đó có thể cung cấp đúng dịch vụ mình đang cần hay không, hơn là căn cứ vào tên loại hình dịch vụ mà họ tự nhận.

Tin tức xem nhiều

    Liên hệ

    Liên hệ

    Vui lòng để lại thông tin để nhân viên 247Express có thể liên hệ tới bạn sớm nhất