ỨNG DỤNG E-LOGISTICS TẠI VIỆT NAM: CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC

E-logistics là viết tắt của electric logistics, hay logistics điện tử, là một hình thức logistics được chuyển đổi số để phục vụ ngành thương mại điện tử. Về bản chất, e-logistics chính là hoạt động logistics được áp dụng các công nghệ số để tương thích với các hoạt động trao đổi, mua bán của doanh nghiệp và người mua trong thương mại điện tử, đồng thời đẩy nhanh quá trình hậu cần cho những hoạt động này.

 

E-logistics xuất hiện từ khi nào?

Thương mại điện tử tại Việt Nam có những bước đi đầu tiên khá muộn so với nhiều quốc gia khác, từ những năm 2010. Thời điểm này, người tiêu dùng và cả các doanh nghiệp Việt Nam mới tập làm quen với hình thức thương mại mới này, do đó logistics trong giai đoạn này cũng mới chỉ đảm nhiệm những nhiệm vụ truyền thống như giao nhận hàng hóa.

Từ sau 2015 trở đi, thương mại điện tử phát triển bùng nổ khi tỉ lệ sử dụng internet chiếm đến hơn 70% dân số. Đại dịch Covid kèm theo hệ lụy là những thời kỳ giãn cách xã hội dần dần thay đổi thói quen của người tiêu dùng, khiến cho xu hướng mua sắm online trở nên thịnh hành hơn hẳn. Theo Báo cáo của Công ty Statista, trong năm 2022, lượng người mua hàng trực tuyến tại Việt Nam sẽ lên đến hơn 51 triệu, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Song song với đó, hạ tầng internet tại Việt Nam cũng được đầu tư phát triển, các doanh nghiệp cũng quan tâm hơn tới nền tảng website, thị trường thương mại điện tử ngày càng phong phú đa dạng. Điều này đòi hỏi và cũng tạo điều kiện cho các dịch vụ hậu cần cũng phát triển, đổi mới, số hóa một cách hiện đại và đồng bộ để kịp thời đáp ứng yêu cầu của ngành thương mại điện tử, từ đó xuất hiện khái niệm e-logistics.

 

Thực trạng E-logistics tại Việt Nam

Bắt đầu từ năm 2018, Việt Nam đã có bước tăng trưởng vượt bậc về trình độ phát triển logistics. Theo công bố của Ngân hàng Thế giới về chỉ số LPI (chỉ số phát triển logistics), năm 2018 Việt Nam đứng đầu trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có khoảng hơn 60% doanh nghiệp logistics sử dụng các ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh vận hành hàng ngày, theo Bộ Công thương.

 

Ứng dụng công nghệ trong logistics Việt Nam

Hình 1. Ứng dụng công nghệ trong logistics Việt Nam

 

Công nghệ hiện đại trong ngành logistics tại Việt Nam hiện đang được ứng dụng chủ yếu vào 4 lĩnh vực sau:

  1. Tối ưu hóa năng lực vận tải: thông quá các ứng dụng thiết kế tuyến đường, lịch trình phù hợp, tối ưu hóa tỷ lệ sắp xếp,…;
  2. Tự động hóa kho hàng, tìm kiếm các giải pháp chuyển phát nhanh và thống nhất (ví dụ: các sàn thương mại điện tử thành lập các kho hàng thông minh do sàn phụ trách);
  3. Tự động hóa sản xuất theo định hướng sản xuất tinh gọn, loại bỏ các bước thừa, đảm bảo chất lượng và loại bỏ bớt khâu kiểm tra trung gian, ứng dụng công nghệ tự động vào sản xuất và giám sát như sử dụng robot,…;
  4. Ứng dụng công nghệ thông tin để tạo mạng lưới thông tin thông suốt trong chuỗi cung ứng.

E-logistics Việt Nam – Những câu chuyện thành công

Một đặc điểm quan trọng của logistics là đòi hỏi sự kết nối hạ tầng đồng đều, thống nhất, và thông suốt mạch lạc. Do đó, ngoài những ứng dụng công nghệ được áp dụng theo quy mô từng doanh nghiệp nhỏ lẻ, hiện nay đa phần những ví dụ điển hình về e-logistics là các mô hình của những công ty hay tập đoàn lớn, có khả năng xây dựng mô hình logistics công nghệ với quy mô và phức hợp lớn. Có thể kể đến một số trường hợp điển hình như:

 

(1). Mô hình cảng điện tử (ePort) của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn: cho phép khách hàng thực hiện chức năng thanh toán trực tuyến bằng thẻ ATM cá nhân và tài khoản của doanh nghiệp, sử dụng phiên bản điện tử của hóa đơn và lệnh giao hàng (eDO) khi làm việc với các hãng tàu. Nhờ đó, khách hàng và hãng tàu đều giảm được thời gian giao dịch và đi lại, giảm chi phí giao dịch, tối ưu hóa hoạt động.

Ứng dụng ePort của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn ra mắt vào tháng 8/2022

Hình 2. Ứng dụng ePort của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn ra mắt vào tháng 8/2022

 

(2). Ứng dụng Logivan của Công ty TNHH Logivan: tạo ra một nền tảng liên lạc và kết nối thông tin giữa các nhà vận tải và chủ hàng thông qua ứng dụng thuật toán và trí tuệ nhân tạo, hoạt động như một sàn giao dịch vận tải, tối ưu hóa việc sử dụng các phương tiện còn trống.

 

Ứng dụng Logivan – công cụ tiện ích cho các chủ hàng và chủ xe

Hình 3. Ứng dụng Logivan – công cụ tiện ích cho các chủ hàng và chủ xe

 

(3). Trung tâm Logistics và cảng cạn quốc tế ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) của Tập đoàn T&T và Tập đoàn YCH của Singapore: cung cấp giải pháp về chuỗi cung ứng toàn diện và công nghệ cao cho các nhà sản xuất tại Việt Nam, trong đó tích hợp công nghệ để tự động hóa toàn bộ quy trình dọc chuỗi cung ứng.

 

(4). Trung tâm Logistics Chu Lai của Công ty Ô tô Trường Hải: bước đi quan trọng trong nỗ lực tối ưu hóa chuỗi giá trị nhằm khai thác hiệu quả vùng trồng nguyên liệu cho khu vực miền Trung và miền Tây, tập trung vào phát triển dịch vụ logistics toàn diện cho nông nghiệp và hàng lạnh ở khu vực này.

 

Trung tâm Logistics Chu Lai phục vụ chủ yếu cho phát triển ngành nông sản xuất khẩu tại khu vực miền Trung

Hình 4. Trung tâm Logistics Chu Lai phục vụ chủ yếu cho phát triển ngành nông sản xuất khẩu tại khu vực miền Trung

(Nguồn: Công ty Ô tô Trường Hải – Thaco)

 

Ngoài ra, công nghệ blockchain cũng đang được áp dụng trong logistics, nhưng hiện chủ yếu là ở các khâu nhỏ lẻ và theo quy mô từng doanh nghiệp.

 

Phát triển chưa xứng với tiềm năng

Ngành logistics Việt Nam đang dần xây dựng vị thế trên trường quốc tế, dù trình độ phát triển chưa cao nhưng tốc độ tăng trưởng nhanh, là thị trường thu hút nhiều luồng vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời cũng tạo điều kiện cho e-logistics phát triển. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ vào các hoạt động logistics vẫn chủ yếu diễn ra ở quy mô nhỏ lẻ, theo từng bước rời rạc trong chuỗi giá trị, trong khi để phát triển logistics cần có sự thống nhất và đồng bộ ở phạm vi rộng.

 

Dưới đây là những thách thức mà e-logistics tại Việt Nam đang phải đối mặt:

  1. Hạn chế về tài chính của các doanh nghiệp vừa và nhỏ;
  2. Thiếu các chương trình hỗ trợ về tài chính và định hướng, hạ tầng pháp lý của Chính phủ;
  3. Thiếu hụt các giải pháp công nghệ hiện đại, đặc biệt là về bảo mật thông tin, bảo mật thanh toán, thiếu giải pháp công nghệ toàn diện cho một số nghiệp vụ như logistics thu hồi (reverse logistics) đối với hàng hóa đổi trả;
  4. Thiếu hụt nguồn nhân lực số - nhân lực đủ trình độ về chuyên môn, kinh nghiệm, ngoại ngữ,… để tìm hiểu và ứng dụng công nghệ trong hoạt động hàng ngày;
  5. Thị trường hậu Covid có nhiều thay đổi về thói quen tiêu dùng, yêu cầu của khách hàng, cách thức giao dịch và vận hành doanh nghiệp, xuất hiện nhiều lĩnh vực kinh doanh mới,… mà nhiều doanh nghiệp chưa kịp thích ứng;
  6. Sự gia nhập thị trường và cạnh tranh trực tiếp của các doanh nghiệp và dịch vụ e-logistics nước ngoài – những đối thủ cạnh tranh có nguồn lực mạnh hơn về vốn, công nghệ và nhân lực;

Tin tức xem nhiều

    Liên hệ

    Liên hệ

    Vui lòng để lại thông tin để nhân viên 247Express có thể liên hệ tới bạn sớm nhất