XU HƯỚNG KINH TẾ TUẦN HOÀN VÀ CƠ HỘI CHO NGÀNH LOGISTICS

Kinh tế tuần hoàn là một định hướng phát triển quan trọng của nhiều nước công nghiệp phát triển trên thế giới, nhưng khái niệm này mới chỉ xuất hiện và được quan tâm ở Việt Nam một vài năm gần đây. Kinh tế tuần hoàn được kỳ vọng sẽ mở rộng thị trường, đồng thời mở ra những hướng đi mới cho ngành logistics.

 

Kinh tế tuần hoàn (Circular economy) là gì?

Khái niệm “kinh tế tuần hoàn” ra đời trong sự đối lập với khái niệm về nền kinh tế tuyến tính (mang tính một chiều: sản xuất – tiêu dùng – đào thải) truyền thống.

 

Hiện nay, vòng đời của sản phẩm ngày càng trở nên ngắn hơn do sự phát triển của khoa học công nghệ và tốc độ phân phối tăng nhanh. Một ví dụ điển hình là ngành thời trang nhanh (“fast fashion”), với tốc độ thiết kế, sản xuất, tiêu dùng rất nhanh, dẫn đến đào thải sản phẩm cũng nhanh chóng, tạo nên gánh nặng về rác thải cho nền kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, định hướng của nền kinh tế toàn cầu hiện nay là hướng tới phát triển bền vững, tối ưu hóa hiệu quả, năng suất và bảo vệ môi trường, buộc các doanh nghiệp phải tìm những hướng đi mới trong kinh doanh và vận hành.

 

Trước những thách thức mang tính toàn cầu đó, kinh tế tuần hoàn được kỳ vọng là giải pháp trong tương lai. Nói một cách đơn giản, mục đích của kinh tế toàn cầu là đảm bảo cho các loại vật liệu và thành phần của sản phẩm có một vòng đời ổn định và bền vững, trong đó việc phát thải và sử dụng tài nguyên sẽ được hạn chế, đồng thời các chất thải hoặc các sản phẩm đã được sử dụng xong sẽ không được thải bỏ hoàn toàn mà được đưa trở lại luồng lưu thông dưới dạng khác, như đầu vào sản xuất hay các sản phẩm tái chế. Nếu được thực hiện liên tục và nhất quán, nguyên tắc này có thể khẳng định: tăng trưởng kinh tế không nhất thiết phải đồng hành cùng tiêu thụ tài nguyên.

 

Mô hình kinh tế tuyến tính và kinh tế tuần hoàn

Hình 1. Mô hình kinh tế tuyến tính và kinh tế tuần hoàn

 

Hướng đi này cũng đã ít nhiều chứng minh được hiệu quả của nó. Nền kinh tế tuần hoàn được ước tính rằng có thể thu về hơn 4 nghìn tỷ Euro về lợi ích kinh tế cho Trung Quốc, đồng thời dẫn đến giảm lượng khí thải và không khí sạch hơn. Khu vực châu Âu cũng tiết kiệm được khoảng 600 tỷ Euro với lợi ích kinh tế hơn 1,8 nghìn tỷ Euro.

 

Kinh tế tuần hoàn: cản trở hay thúc đẩy logistics?

Từng có tiếng nói lo ngại rằng kinh tế tuần hoàn có thể thu hẹp thị trường của logistics, khi tuổi thọ sản phẩm được kéo dài hơn, tiêu thụ sản phẩm cũng mang tính bền vững thay vì tiêu dùng nhanh, thải bỏ nhanh. Tuy nhiên, trên thực tế, đây lại là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa cơ hội mới cho ngành logistics.

 

Logistics tham gia trực tiếp vào chuỗi cung ứng

Kinh tế tuần hoàn sẽ thay thế kinh tế tuyến tính truyền thống, tạo nên một mạng lưới kết nối các luồng lưu thông hàng hóa. Yêu cầu đặt ra cho chuỗi cung ứng mới là một chu trình khép kín từ nhà cung cấp đến người tiêu dùng. Từ đó, một chuỗi cung ứng cần bao gồm cả các hoạt động mang tính vòng lặp như: Reuse (tái sử dụng), Repair (sửa chữa), Refurbish (tân trang), Remanufacture (tái sản xuất), Repurpose (chuyển đổi mục đích sử dụng), Reduce (giảm thiểu phát thải), Recycle (tái chế). Một sản phẩm sau khi được sử dụng xong cần được quyết định xem sẽ được đem bán ở thị trường đồ cũ, được tân trang lại hay phải dỡ thành các phần nhỏ, từ đó sản phẩm hoặc các thành phần của nó sẽ được quay trở lại chuỗi cung ứng ở các thời điểm khác nhau. Nhu cầu về các giải pháp vận tải nội địa hóa và theo chu kỳ cụ thể tăng lên, và các dịch vụ giá trị gia tăng mới cũng sẽ phát sinh.

 

Do đó, logistics sẽ trở thành trung tâm của các mô hình kinh doanh mới với những nhiệm vụ mới. Các công ty logistics có thể phát triển từ các nhà cung cấp dịch vụ trở thành các mắt xích gia tăng giá trị tham gia trực tiếp vào chuỗi cung ứng.

 

Mô hình chuỗi cung ứng giản đơn trong nền kinh tế tuần hoàn

Hình 2. Mô hình chuỗi cung ứng giản đơn trong nền kinh tế tuần hoàn

 

Trong Hình 2, tất cả các luồng lưu thông hàng hóa, hay thậm chí một số hoạt động làm gia tăng giá trị, đều có thể được thực hiện bởi các nhà cung cấp dịch vụ logistics. Ví dụ, hàng hóa bị trả lại phải được tháo rời, xử lý hoặc sửa chữa riêng, và đưa trở lại thị trường đồ cũ để tiếp tục sử dụng làm nguyên liệu thô hoặc phụ tùng thay thế. Các nhà cung cấp dịch vụ logistics dĩ nhiên có thể đảm nhiệm thêm những nhiệm vụ này, thay vì chỉ vận chuyển và lưu trữ. Các dịch vụ giá trị gia tăng như vậy cũng có tỉ suất lợi nhuận cao hơn so với kinh doanh truyền thống. Ngành công nghiệp ô tô là một ví dụ điển hình, với các dịch vụ như lắp ráp trước các thành phần cũng nhiều khi được các công ty logistics đảm nhiệm.

 

Logistics ở vị trí trung tâm của nền kinh tế tuần hoàn

Logistics là ngành sẽ chiếm vị trí trung tâm và đóng vai trò thiết yếu trong các mô hình kinh doanh mới. Nó sẽ ngày càng đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng hơn, đồng thời cũng trở nên cục bộ hơn. Cả chủ hàng và nhà cung cấp dịch vụ đều sẽ phải chuyển hóa trong nền kinh tế tuần hoàn. Các công ty sản xuất cần thiết kế lại sản phẩm để đảm bảo khả năng quay vòng, bao gồm việc điều chỉnh cấu trúc sản phẩm, thay thế đơn giản các thành phần, sử dụng nguyên liệu thô mới và bền vững,... Vòng đời sản phẩm cũng cần được xem xét một cách tổng thể. Về phía các nhà cung cấp dịch vụ logistics, họ cần phải tạo ra cơ sở hạ tầng cần thiết và cung cấp dịch vụ trên phạm vi rộng khắp.

 

Với vai trò là động lực của kinh tế tuần hoàn, các lĩnh vực kinh doanh trong ngành logistics đều đang thay đổi hoặc mở rộng, đồng thời các lĩnh vực tiềm năng mới cũng ra đời. Do nền kinh tế tuần hoàn làm giảm nhu cầu về nguyên liệu thô sơ cấp, sẽ làm giảm đáng kể các chuyến vận chuyển mua sắm toàn cầu, nhưng nhu cầu sản phẩm vẫn được duy trì. Đồng thời, nhu cầu vận chuyển cục bộ hoặc theo vùng lại gia tăng, nhằm đảm bảo luồng quay vòng của hàng hóa. Từ một sản phẩm có thể trở thành nhiều sản phẩm khác nhau, trong đó mỗi sản phẩm lại cần một giải pháp logistics theo điều kiện riêng. Các nhà cung cấp dịch vụ phải tạo ra các giải pháp logistics mang tính bền vững: không có tác động tiêu cực đến lượng khí thải carbon đồng thời đạt được sự chấp nhận của xã hội.

 

Nền kinh tế tuần hoàn cũng có mối liên kết trực tiếp với logistics ngược hay logistics thu hồi (“reverse logistics”), tập trung vào quá trình đưa hàng hóa từ người tiêu dùng trở lại điểm xuất phát để thay thế, tân trang, tái chế, phân phối lại hoặc xử lý sạch. Trong tương lai, logistics thu hồi có thể trở thành một lĩnh vực cốt yếu của ngành.

 

Logistics ở vị trí trung tâm của nền kinh tế tuần hoàn

 

Thách thức đến từ xu hướng kinh tế tuần hoàn

Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp logistics không thể đảm nhận vai trò bổ sung trên trong nền kinh tế tuần hoàn, các nhà cung cấp khác sẽ có thể nắm bắt cơ hội và trở thành những người chơi tiềm năng trên bàn cờ. Trong nền kinh tế tuần hoàn, các công ty sản xuất không phải là những bên duy nhất phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là thiết kế lại sản phẩm để chúng có tuổi thọ lâu hơn và thuận lợi cho việc quay vòng hơn. Các công ty logistics cũng sẽ phải có chính sách đối phó với nhiều vòng đời ngắn hơn của sản phẩm và số lượng bên tham gia lớn hơn.

 

Điều đó dẫn đến tốc độ vận chuyển và lưu trữ thậm chí còn cao hơn, đòi hỏi phải được lập kế hoạch và kiểm soát hiệu quả. Số hóa toàn diện là một điều kiện cơ bản cho vấn đề này, do yêu cầu về trao đổi thông tin toàn diện giữa mọi mắt xích trong quy trình là tối quan trọng.

 

Ở vị trí trung tâm của nền kinh tế tuần hoàn, ngành logistics cần đổi mới nền tảng công nghệ để trở thành một trung tâm dữ liệu cho các bên. Cùng với cách mạng công nghiệp 4.0, thông tin sẽ thường xuyên được trao đổi qua lại giữa các chủ thể tham gia trong thời gian thực. Logistics phải đảm bảo việc thu thập và phân phối dữ liệu sao cho thông tin được truyền đi thông suốt, minh bạch và hợp pháp.

 

Thách thức đến từ xu hướng kinh tế tuần hoàn

 

Yêu cầu đặt ra đối với ngành logistics: đổi mới để nắm bắt cơ hội

Tóm lại, xu hướng kinh tế tuần hoàn đặt ra yêu cầu cho tất cả các chủ thể trong nền kinh tế phải đổi mới trong khung quy định và cách thức vận hành cũng như hệ thống cơ sở hạ tầng. Từ đó, các quy trình và chuỗi cung ứng phải được thiết kế theo hướng toàn diện và thuận lợi cho khách hàng.

 

Tin tức xem nhiều

    Liên hệ

    Liên hệ

    Vui lòng để lại thông tin để nhân viên 247Express có thể liên hệ tới bạn sớm nhất