Triển vọng phát triển của logistics xanh tại Việt Nam

Với định hướng phát triển bền vững như một kim chỉ nam cho phát triển kinh tế toàn cầu, mọi khía cạnh, lĩnh vực, ngành nghề kinh tế đều đáng hướng tới xu hướng “xanh hóa”. Logistics cũng không phải ngoại lệ.

 

Logistics xanh là một định hướng phát triển ngành logistics mà trong đó người cung cấp dịch vụ cần tính toán và áp dụng các biện pháp nhằm giảm tối đa tác động tiêu cực tới môi trường. Nhìn từ góc độ phát triển bền vững, Logistics xanh tức là quan điểm phát triển logistics trong đó cân bằng giữa 3 mục tiêu: kinh tế – xã hội – môi trường.

 

Thành tựu phát triển Logistics xanh tại Việt Nam

Phát triển Logistics xanh là sự kết hợp của việc thực hành quan điểm xanh - giảm thiểu phát thải, hướng tới phát triển bền vững – trong tất cả các khâu dọc chuỗi cung ứng như vận tải, kho bãi, sản xuất,..

 

Tại Việt Nam, thực hành Logistics xanh có thể được phân tích ở 4 khía cạnh: xanh hóa hoạt động vận tải, hoạt động kho bãi, hoạt động đóng gói và phát triển logistics ngược.

 

Xanh hóa hoạt động vận tải

Theo Báo cáo Logistics Việt Nam 2022, 51% doanh nghiệp vận tải đã có giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động hàng hóa theo hướng bền vững, như: sử dụng ít phương tiện hơn, thay thế phương tiện sạch và nhiên liệu hiệu quả, tiêu chuẩn hóa kích thước của xe tải.

Xanh hóa hoạt động kho bãi

Để quản lý hiệu quả hoạt động kho hàng, 63,8% số doanh nghiệp đã sử dụng phần mềm quản lý kho và đánh giá hiệu quả của việc sử dụng phần mềm quản lý kho, 31,4% doanh nghiệp đã sử dụng năng lượng tái tạo trong vận hành kho bãi (Báo cáo Logistics Việt Nam 2022). Trong đó có 81,8% doanh nghiệp sử dụng năng lượng mặt trời; 18,2% sử dụng thuỷ điện; 12,1% sử dụng năng lượng gió.

Xanh hóa hoạt động đóng gói, bao bì

 

Nhằm giảm phát thải và bảo vệ môi trường, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng chiến lược bao bì xanh như sử dụng bao bì bằng vật liệu tái sử dụng, dễ phân hủy trong tự nhiên hoặc đóng gói và tổ chức luân chuyển bao bì tối ưu.

 

Ví dụ: kho lạnh Nam Hà Nội có các quy trình kiểm soát logistics xanh ngay từ khâu đóng gói bao bì hàng hóa như sử dụng các màng bọc có thể tự phân hủy, sử dụng pallet (gỗ, nhựa,...) để đặt sản phẩm thay vì sử dụng bao bì chiếm diện tích kho. Với đặc điểm tái sử dụng, công cụ này đặc biệt hiệu quả trong việc phân phối và vận chuyển hàng hóa, đảm bảo an toàn hàng hóa cũng như hạn chế việc sử dụng quá nhiều các bao bì, giấy chèn lót sản phẩm tạo ra rác thải môi trường.

 

Phát triển Logistics ngược (logistics thu hồi)

Mục tiêu của logistics ngược trong chuỗi cung ứng sản phẩm là khôi phục lại nhiều nhất có thể các giá trị kinh tế - môi trường của sản phẩm và giảm xuống mức thấp nhất lượng chất thải phải xử lý. Tổ chức logistics ngược tại các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng sản phẩm có thể được thực hiện theo 2 phương án, đó là: (1) Tự tổ chức logistics ngược, (2) Thuê ngoài logistics ngược. Xu hướng hiện nay là thuê ngoài và đa dạng hóa hoạt động logistics ngược. Từ đó cũng dần hình thành nhiều doanh nghiệp chuyên môn hóa trong lĩnh vực thu hồi sản phẩm và xử lý chất thải cho các doanh nghiệp sản xuất và thương mại.

 

Mô hình “Bưu cục di động” của Viettel Post là một dự án điển hình và tiên phong. Các “Bưu cục di động” thực chất là những chiếc xe tải được lắp đặt các trang thiết bị cần thiết như một bưu cục thông thường, kết hợp chức năng camera giám sát hàng hóa, định vị GPS, hệ thống ứng dụng QR code xuất nhập kho và cập nhật tình trạng dữ liệu. Bưu cục di động sẽ di chuyển theo định tuyến, ứng dụng công nghệ chia sẻ dữ liệu để kết nối giữa các bưu cục di động với nhau và bưu tá với bưu cục. Vì vậy, hàng hóa của người gửi sẽ được nhân viên của bưu cục di động chia chọn, phân tuyến trực tiếp ngay trên xe và thực hiện quy trình xuất nhập kho qua ứng dụng di động để nhanh chóng xử lý các công đoạn tiếp theo.

Nhìn chung, cả Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam đã cùng đồng lòng thực hiện nhiều dự án, chương trình trong nỗ lực xanh hóa logistics trong nhiều lĩnh vực như vận tải, bao bì đóng gói, kho bãi,… Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng logistics vẫn còn chưa hiện đại, chưa hỗ trợ đẩy nhanh tốc độ xanh hóa ngành logistics là một khó khăn cấp bách nhất hiện nay. Trong tương lai, đây sẽ là lĩnh vực cần được đầu tư nâng cấp mạnh mẽ, giúp logistics phát triển theo hướng bền vững một cách đồng bộ và toàn diện.

>> Khám phá thêm về khái niệm và những lợi ích của logistics xanh mang lại cho doanh nghiệp và môi trường.

Tin tức xem nhiều

    Liên hệ

    Liên hệ

    Vui lòng để lại thông tin để nhân viên 247Express có thể liên hệ tới bạn sớm nhất