5 CHỈ TIÊU ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ CỦA GIAO HÀNG CHẶNG CUỐI

Trong toàn bộ quá trình giao hàng, chặng cuối là bước có thể ảnh hưởng trực tiếp tới trải nghiệm của khách hàng. Tối ưu hóa hiệu quả của giao hàng chặng cuối, nâng cao mức độ hài lòng của khách hàng, từ đó củng cố năng lực cạnh tranh là một trong thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp logistics. Để có thể làm được điều đó, trước hết các doanh nghiệp phải hiểu được những chỉ tiêu cần thiết khi đánh giá hiệu quả của giao hàng chặng cuối.

 

5 chỉ tiêu quan trọng trong đánh giá hiệu quả giao hàng chặng cuối

5 chỉ tiêu quan trọng trong đánh giá hiệu quả giao hàng chặng cuối

 

1. Chi phí giao hàng trên kilomet

Chi phí là một chỉ tiêu quan trọng và phổ biến hàng đầu khi đánh giá hiệu quả của các dịch vụ. Tuy nhiên, trong việc quản trị chuỗi cung ứng và dịch vụ logistics, chỉ tiêu tổng chi phí không thể hiện nhiều ý nghĩa bằng chi phí tương đối tính trên một đơn vị cụ thể, như tính trên sản phẩm, đơn vị vốn,… Đối với giao hàng chặng cuối cũng như dịch vụ vận chuyển nói chung, doanh nghiệp vận chuyển cần quan tâm đến chi phí tính trên quãng đường, như chi phí tính trên từng kilomet. Đây là chỉ tiêu thể hiện tổng chi phí cần thiết để đưa phương tiện giao hàng đi được 1km. Chi phí này càng thấp thì doanh nghiệp càng có lợi thế cạnh tranh về giá cả trên thị trường.

 

Chi phí theo km= Tổng chi phí / Tổng quãng đường (VND/km)

 

2. Tỉ lệ lấp đầy sức chứa của phương tiện vận chuyển

Trong mỗi lần vận chuyển, có bao nhiêu phần trăm sức chứa của thùng hàng trên xe được sử dụng? Đây chính là tỉ lệ lấp đầy sức chứa của phương tiện vận chuyển.

Tỉ lệ lấp đầy = Sức chứa đang được sử dụng / Tổng sức chứa (%)

 

Ví dụ: Một chiếc xe có tải trọng 3 tấn, tổng lượng hàng chất trên xe là 2,3 tấn. Vậy tỉ lệ lấp đầy của chiếc xe này là: 2,3 tấn / 3 tấn=76,7 (%)

 

Nhà vận chuyển sẽ luôn tìm cách tối đa hóa tỷ lệ lấp đầy của phương tiện, bởi đó là cách hữu hiệu để giảm số lần di chuyển cho cùng một khối lượng hàng hóa, từ đó giảm các chi phí cho lái xe và phương tiện, tối ưu hóa năng suất vận tải.

 

247Express chuyển hàng hóa từ Trung tâm khai thác tới các Bưu cục

247Express chuyển hàng hóa từ Trung tâm khai thác tới các Bưu cục

 

3. Độ dài trung bình mỗi chặng

Mỗi chặng vận chuyển là quãng đường giữa hai trạm dừng liên tiếp trên một hành trình di chuyển của phương tiện vận tải. Một trong những yêu cầu quan trọng của tối ưu hóa giao hàng là tăng tối đa số lượng hàng và số cửa hàng có thể giao trong cùng một hành trình. Lộ trình giao hàng cũng cần được sắp xếp sao cho khoảng cách giữa hai điểm giao hàng liền nhau là gần nhất, tức là độ dài trung bình của các chặng trong hành trình là ngắn nhất.


Độ dài mỗi chặng = Tổng quãng đường / Số chặng (km/chặng)

 

4. Thời gian giao nhận trung bình

Tổng thời gian của một hành trình giao hàng không phải chỉ là thời gian vận chuyển, mà tài xế còn phải nhiều lần dừng xe tại các điểm giao, dỡ hàng, thực hiện các thủ tục giao nhận và chứng từ. Dĩ nhiên, thời gian giao nhận càng ngắn, quy trình thực hiện tại các điểm giao càng nhanh gọn thì hiệu quả của quá trình vận chuyển càng cao.

 

Thời gian giao nhận trung bình = Tổng thời gian giao nhận / Số trạm giao hàng (phút/trạm)

 

5. Tỉ lệ lần dừng thực tế

Mỗi chuyến giao hàng đều được hoạch định trước một lộ trình với thời gian và địa điểm giao cụ thể, do đó số lần dừng xe cũng đã được dự tính. Tuy nhiên, vì những lý do khách quan hay chủ quan, lái xe có thể dừng thêm một số lần trong thực tế. Mỗi lần dừng xe ngoài kế hoạch như vậy đều khiến tổng thời gian của hành trình bị kéo dài, ảnh hưởng tới khung giờ giao của từng đơn hàng, từ đó làm giảm chất lượng dịch vụ trong giao hàng chặng cuối.

 

Tỉ lệ lần dừng thực tế = Số lần dừng thực tế / Số trạm dừng dự tính

 

Phương tiện vận chuyển 247Express trên mọi nẻo đường Việt Nam

Phương tiện vận chuyển 247Express trên mọi nẻo đường Việt Nam

 

Kết luận

Nhìn chung, mỗi chỉ tiêu trong đánh giá hiệu quả giao hàng chặng cuối đều đặt ra một yêu cầu nhất định đối với nhà vận chuyển nhằm tối ưu hóa dịch vụ giao hàng, như giảm chi phí, tận dụng tối đa sức chứa của phương tiện, tăng số lượng điểm giao hàng trong mỗi hành trình,…

 

Tuy nhiên, những yêu cầu này nhiều khi không song hành với nhau, thậm chí còn có thể có định hướng trái ngược nhau. Ví dụ: tăng tỉ lệ lấp đầy của phương tiện vận tải có thể đòi hỏi nhà vận chuyển phải gom nhiều hàng hơn cho một chuyến xe, vô tình kéo dài thời gian giao của một số đơn hàng được gửi trước, khiến khách hàng không hài lòng với dịch vụ. Do đó, việc cân đối giữa các yêu cầu, các chỉ tiêu hiệu quả và lựa chọn được phương án tối ưu cho dịch vụ giao hàng chặng cuối đòi hỏi doanh nghiệp logistics phải có góc nhìn toàn cảnh và thấu đáo, ưu tiên theo mục tiêu kinh doanh của đơn vị.

 

Tin tức xem nhiều

    Liên hệ

    Liên hệ

    Vui lòng để lại thông tin để nhân viên 247Express có thể liên hệ tới bạn sớm nhất